Bố Già hiện đang là cái tên hot nhất hiện nay khi mà thị trường điện ảnh còn đang chật vật vì rạp mới được mở lại sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tác phẩm của Trấn Thành và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hiện đang giữ kỉ lục Phim Việt có số sneakshow (suất chiếu sớm) cao nhất và 10,6 tỉ doanh thu chỉ sau 6h công chiếu. Bố Già bản điện ảnh có gì mà mọi người lại đua nhau đi xem như vậy?
Bài viết không tiết lộ nội dung phim
Bố Già xoay quanh lối sống thường nhật của một xóm lao động nghèo. Câu chuyện phim tập trung về hai cha con Ba Sang (Trấn Thành) và Quắn (Tuấn Trần). Dù yêu thương nhau nhưng khoảng cách thế hệ đã đem đến những bất đồng lớn giữa hai cha con.
1. Nội dung đầy ý nghĩa
Từ trước đến nay, các tác phẩm ca ngợi người mẹ, tình mẫu tử rất nhiều, nhưng hiếm phim nào đề cao sự hi sinh thầm lặng của người cha. “Công cha như núi Thái Sơn” còn được khắc họa rõ nét hơn khi “bố già” Ba Sang còn phải gà trống nuôi con sau khi mẹ bỏ đi vì không chịu nổi gia đình chồng.
Câu chuyện trong Bố Già điển hình cho thực tế xã hội Việt Nam khi những thế hệ trước đều đông con, anh em ở với nhau chung một xóm. Quan niệm về máu mủ của thế hệ đó cũng khác một trời một vực với giới trẻ ngày nay.
Chàng Quắn – đại diện cho quan điểm sống của lớp trẻ bây giờ: làm nghề liên quan đến mạng xã hội, thích ở căn hộ cao cấp, luôn muốn sớm báo hiếu cho cha mình,… Anh đặc biệt không thích nghe cha mình càm ràm mặc dù biết vì chỉ muốn tốt cho mình.
Bên cạnh đó, quan điểm của ông Sang cũng không thể trách. Ông sống hết lòng vì gia đình, anh em của mình mặc dù ông biết họ ỷ lại, không coi trọng sự hi sinh của ông.
Bố Già khi tiếp cận chủ đề gia đình tương đối toàn vẹn và khách quan. Phim muốn khán giả tự tìm câu trả lời, tự tìm lối sống của riêng mình. Nên ai đi xem tác phẩm này đều có thể thấy được chính mình đâu đó trong phim.
2. Diễn viên tròn vai
Cách xây dựng nhân vật của Bố Già sẽ không làm người xem cảm thấy dễ chịu. Không ai trong số họ hoàn hảo. Các nhân vật có đủ các khuyết điểm của một người như thực dụng, mồm mép, nhu nhược, hỗn hào, rượu chè, cờ bạc,…
Diễn viên trong Bố Già đều là những diễn viên kì cựu như NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Lan Phương,… nên việc hoàn thành tốt vai diễn không quá khó với họ. Trấn Thành mặc dù xuất thân là diễn viên hài nhưng những phân đoạn cảm xúc, nam MC nổi tiếng này đều truyền đạt được nỗi lòng của người cha.
Nhân tố đặc biệt ở đây là Tuấn Trần. Diễn xuất của anh là một điểm sáng sau khi không để lại nhiều dấu ấn trong các tác phẩm trước đây. Việc giảm cân tận 9 kí, chấn thương gãy xương tay vì hi sinh cho vai diễn của anh được mọi người đánh giá cao. Ở những đoạn đóng cùng Trấn Thành lẫn các đàn anh, đàn chị, nam diễn viên không bị lép vế mà vẫn tạo được điểm nhấn.
3. Thông điệp ý nghĩa
Xuyên suốt bộ phim đều ca ngợi tình cha tuy không hoàn hảo, nhưng vẫn là một trong thứ tình cảm đáng trân trọng. Phim nhắc đến sự ngại ngùng của những đứa con trong việc bộc lộ tình thương hay sự hối lỗi với bậc cha mẹ. Ngoài ra, tác phẩm cũng nói về sự mâu thuẫn của cha mẹ khi luôn dạy con phải sống hiếu thảo nhưng khi con “báo hiếu” lại không nỡ nhận.
Phim vẫn có những tình huống hài hước đặc trưng của phim Việt nhưng không phải hài nhảm, mà rất tự nhiên. Thêm một điểm cộng lớn cho phim là việc sử dụng âm nhạc hợp lý, hỗ trợ rất nhiều để khán giả nắm bắt được mạch phim và cuốn họ theo những diễn biến trên màn ảnh rộng.