Mẹ là người truyền cảm hứng trong các tác phẩm điện ảnh triệu đô của Victor Vũ
XEM THÊM:

Đạo Diễn Victor Vũ Lấy Mẹ Làm Cảm Hứng Để Làm Phim Người Vợ Cuối Cùng

Quá trình anh chị chuyển thể kịch bản cuốn tiểu thuyết Hồ Oán Hận của tác giả Hồng Thái thành phim điện ảnh diễn ra như thế nào?

Đinh Ngọc Diệp: Diệp may mắn khi được tiếp xúc với tác phẩm Hồ Oán Hận ngay từ khi còn đang là bản thảo. Khi trang sách đầu tiên được gia đời, anh Victor đã gửi cho các nhà đầu tư và rất mừng khi được họ đón nhận. Tuy nhiên, khi nghiên cứu nội dung, chủ đề của cuốn tiểu thuyết trinh thám này, anh Victor muốn sửa lại, đổi cả tuyến nhân vật, thể loại và cách kể chuyện.

Đạo diễn Victor Vũ: Thật ra trong quá trình viết kịch bản, việc sửa lại toàn bộ cũng là chuyện bình thường. Khi đọc cuốn tiểu thuyết này, Victor rất háo hức và bị cuốn bởi thể loại trinh thám tâm linh. Thế nhưng khi càng đọc, càng phát triển, Victor càng nhận ra câu chuyện chính là về thân phận của một người phụ nữ làm lẽ trong thời đại phong kiến. Và những khó khăn xung đột của cô ấy phải đương đầu kể từ khi gặp lại người yêu thương.

Thể loại trinh thám không cho Victor khai thác triệt để vào câu chuyện chính, thế nên đã quyết định đổi hướng và bàn bạc lại với tác giả Hồng Thái, được chú ủng hộ ngay.

Những bộ phim trước đây của Victor như Cô Dâu Đại Chiến, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hay Mắt Biếc cũng đã từng phải “phá đi xây lại”. Mình phải rất can đảm và khó cho biên kịch, khi đưa mọi thứ lên bàn cân có những thứ không sửa được, có thể sẽ giữa được một số yếu tố nhưng bắt buộc phải thay đổi.

Đạo Diễn Victor Vũ Lấy Mẹ Làm Cảm Hứng Để Làm Phim Người Vợ Cuối Cùng

Vì sao người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với đạo diễn Victor Vũ trong các dự án phim điện ảnh? 

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam rất quan trọng trong cuộc đời Victor và mang đến nhiều nguồn cảm hứng. Victor sinh ra ở Mỹ, gia đình chỉ có mẹ và chị gái. Mình nhận ra rằng mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ, luôn thúc đẩy Victor học tập và cố gắng. Mẹ rất hay kể về người phụ nữ Việt Nam. Một câu chuyện mẹ hay kể khiến Victor nhớ mãi đó là Thiếu Phụ Nam Xương, phụ nữ Việt Nam mặc dù trải qua những đau khổ nhưng họ rất bền bỉ.  Đó cũng là đề tài mà Victor chọn từ khi làm phim khi học ở Mỹ. Mặc dù gặp rất nhiều hạn chế về diễn viên, bối cảnh nhưng vì quá đam mê nên mình vẫn làm.

Đạo Diễn Victor Vũ Lấy Mẹ Làm Cảm Hứng Để Làm Phim Người Vợ Cuối Cùng

Nhân vật chính trong Người Vợ Cuối Cùng là Linh, rất nhiều phim của anh đã sử dụng tên này? 

Trong tác phẩm Hồ Oán Hận, nhân vật chính tên là Diệu Linh. Thế nhưng đúng là vậy! Trong rất nhiều tác phẩm trước đây của Victor cũng đã sử dụng tên Linh. Bật mí thêm với quý vị khán giả, tên nhân vật trong bộ phim đầu tay của Victor ở Mỹ cũng dùng tên này.

Lý do thật ra khá đơn giản, tên Linh tiếng Việt hay tiếng Anh đều phát âm giống nhau, rất dễ cho người đọc hay nghe đều dễ hiểu.

Đạo Diễn Victor Vũ Lấy Mẹ Làm Cảm Hứng Để Làm Phim Người Vợ Cuối Cùng

Người Vợ Cuối Cùng quy tụ dàn diễn viên từ gạo cội cho đến sàn sao trẻ cả hai miền Bắc – Nam, anh gặp những khó khăn gì trong quá trình casting? 

Điều thú vị của dự án này có thể do quá trình viết kịch bản khá lâu. Trong lúc viết mình cũng đã hình dung được một số diễn viên phù hợp với dự án và mời thử vai.

Đối với anh Quang Thắng, về vai Quan, anh ấy có nét trào phúng mà mình đang cần, chứ không quá nghiêm nghị và cứng nhắc.

Với Kaity, mình đã nghĩ đến cô bé sớm, vì khi làm về thân phận người phụ nữ phong kiến, có thể nhiều người nghĩ đến các gương mặt Á Đông. Tuy nhiên Victor luôn luôn muốn phá cách trong tác phẩm của mình, đó là một điều bất ngờ thú vị. Dựa trên cá tính của nhân vật, một cô gái trẻ có vẻ như yếu đuối, nhưng khi đối diện với khó khăn thử thách thì lại rất quyết liệt. Ánh mắt của Kaity có thể toát lên được sự mạnh mẽ ấy.

Với Kaity, khi nhắc đến nữ diễn viên này, ai cũng nghĩ đến hình ảnh một cô gái GenZ hiện đại. Là một người đạo diễn, anh đã phải “tẩy trắng” hình ảnh đó như thế nào để phù hợp với một người phụ nữ phong kiến từng trải? 

Để hóa thân vào vai này, Victor cũng tâm sự với Kaity rằng, những gì Kaity đã từng biết và từng làm trong những vai trước đều phải bỏ đi. Victor cần sự giản dị, mộc mạc và đơn giản về mặt diễn xuất. Bởi nhân vật Linh được sinh ra trong một gia đình nông dân rất nghèo, những suy nghĩ và cách diễn của Kaity phải chính là sự chất phác của cô ở ngoài đời. Đó chính là điểm tựa, đòn bẩy để nữ diễn viên này có thể hoàn thành tốt nhân vật của mình.

Trong nhiều phim, nhà sản xuất sẽ có quyền thảo luận, lựa chọn trong quá trình casting. Trong dự án này, Đinh Ngọc Diệp có tham gia không? 

Đối với vai mợ Ba Linh của Kaity Nguyễn, khi anh Victor lựa chọn, cả ekip đều thấy khá phù hợp nên không ai ý kiến. Còn đối với những vai khác, đạo diễn sẽ có những option khác nhau để ekip chọn. Tuy nhiên, anh Victor vẫn là người lựa chọn cuối cùng, bởi nhà sản xuất hoàn toàn tin tưởng vào con mắt nghệ thuật của anh.

Mong muốn thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch qua mỗi tác phẩm

Đạo Diễn Victor Vũ Lấy Mẹ Làm Cảm Hứng Để Làm Phim Người Vợ Cuối Cùng

Việc ghi hình của bộ phim được các diễn viên chia sẻ là gặp nhiều khó khăn, vì sao anh lựa chọn Hồ Ba Bể và các bối cảnh trong phim? 

Bối cảnh của bộ phim là một điều rất quan trọng. Khi đọc kịch bản, trong đầu Victor đã hình dung ra được rất cụ thể, như là ngôi làng ven hồ xung quanh có núi, nhà của nhân vật gần miếu hoang,… Và khi đến với Hồ Ba Bể, Victor đã lựa chọn luôn vì nơi đây chưa được khai thác nhiều trong phim, còn hoang sơ. Mặc dù di chuyển khó khăn nhưng đổi lại để có một bối cảnh phù hợp như vậy thì khó khăn cũng xứng đáng. Thật sự có cảm giác như đang được trở lại quá khứ!

Trước đây bộ phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh đã trở thành một nguồn động lực phát triển du lịch cho tỉnh Phú Yên. Vậy đến với Người Vợ Cuối Cùng, anh có kỳ vọng đây là một động lực để phát triển du lịch cho địa phương này? 

Victor luôn mong muốn như vậy! Khi mình thực hiện một bộ phim được đưa nét đẹp văn hóa, con người, phong cảnh Việt Nam lên màn ảnh, là một điều rất tốt. Điện ảnh là một công cụ mạnh để phát triển du lịch. Thế nên điều Victor hướng đến ở bộ phim này, đó là những ai không biết hồ Ba Bể hay tỉnh Bắc Kạn sẽ ghé đến nơi đây, cùng nhiều địa danh khác nữa trong phim.

Dưới góc độ nhà sản xuất, thường sẽ phải lo về chi phí cũng như lợi nhuận của bộ phim? Vậy làm thế nào để chị Diệp cũng như các NSX khác chấp nhận việc làm phim tốn kém về chi phí di duyển như vậy? 

NSX Đinh Ngọc Diệp: Để chọn một ngôi làng nói lên cuộc sống của người dân vài trăm năm trước, lại còn nghèo nhất tỉnh. Thế nên chỉ có hơn chục mái nhà và đời sống sinh hoạt làm nông là chủ yếu. Bắt buộc phải di chuyển cho hợp bối cảnh quay, mặc dù chi phí đội lên nhiều. Do kinh tế hiện tại đang khó khăn nên anh Victor cùng ekip cũng đã nỗ lực làm việc để rút ngắn được 7 ngày ghi hình.

Có một điều khá thuận lợi trong quá trình làm phim đó là yếu tố thời tiết. Không có bất kì trục trặc nào, ngày nào cần nắng có nắng, cần sương mù cũng có luôn. Bên cạnh đó cả đoàn cũng đã chuẩn bị kĩ, từ thiết kế cho đến ánh sáng đã được chuẩn bị kĩ từng shoot, ra hiện trường chỉ cần bấm máy.

Đạo diễn không muốn nhấn mạnh vào thời kỳ nào, chỉ tiết lộ bối cảnh vào thế kỉ 19. Vậy về phụ trang cho các nhân vật anh đã nghiên cứu, lựa chọn như thế nào để không gây tranh cãi? 

Nếu dựa trên cuốn tiểu thuyết Hồ Oán Hận thì bối cảnh bộ phim vào thời Minh Mạng. Tuy nhiên nếu dời đến khoảng thời gian sau đó, giữa thế kỉ 19, trang phục sẽ phong phú hơn. Trong phim chúng tôi  không đề cập đến một triều đại cụ thể nên khá thoải mái để thiết kế.

Trong khâu phục trang, từ ban đầu sẽ mượn bối cảnh bắc bộ để giữ tình thần của tiểu thuyết. Nhưng đó là câu chuyện hoàn toàn hư cấu, chỉ mượn bối cảnh Bắc để sáng tạo nghệ thuật trong một khuôn khổ cho phép để tôn vinh văn hóa Việt. Trong những thiết kế trang phục phải dung hòa được các miền, và tạo ra vẻ đẹp cho bộ phim điện ảnh của mình.

Những tranh cãi đầu tiên xoay quanh Người Vợ Cuối Cùng chủ yếu là về giọng nói cả Bắc lẫn Nam, tại sao đạo diễn Victor Vũ lại quyết định lựa chọn dàn cast như thế thay vì 100% người Bắc hoặc Nam? 

Quan điểm của Victor trước giờ là chọn diễn viên chứ không chọn giọng nói, thế nên việc lựa chọn cả diễn viên Bắc và Nam là điều không tránh khỏi.

Điều tiếp theo, Người Vợ Cuối Cùng không phải là bộ phim cổ trang thuần lịch sử, cũng không nói một thời đại nào đó cụ thể. Victor chỉ mượn bối cảnh Bắc Bộ để kể một câu chuyện tâm lý tình cảm nên không quá quan tâm đến giọng nói diễn viên khác vùng miền.

Vậy có một sự lý giải nào đó về nguồn gốc của nhân vật trong phim, ví dụ như mợ Hai đi từ miền Nam ra Bắc lấy chồng? 

Đinh Ngọc Diệp: Nhân vật mợ Hai nếu khán giả để ý sẽ thấy được rằng người phụ nữ này là con của Phú Hộ, ra Bắc lấy chồng, thế nên tạo hình về kiểu tóc cũng sẽ khác bà Cả, đó là kiểu tóc những người con gái miền Nam hay để vào thế kỉ 19. Khán giả sẽ thấy ẩn ý đâu đó về gốc gác của người phụ nữ này.

Vậy còn về câu chuyện vụng trộm của người phụ nữ người phong kiến thì sao, đó là quyết định khá táo bạo của đạo diễn của ekip?  

Chính vì điều đó mà Victor nghĩ mình có câu chuyện để kể, đó là nội dung mà tôi cảm thấy rất thú vị. Tuy là thời phong kiến nhưng câu chuyện khai thác lại là tình yêu. Hai nhân vật chính bất chấp để có được một hạnh phúc chính đáng, đó chính là sự phá cách trong câu chuyện, vừa là người phụ nữ cam chịu nhưng cũng cố gắng để lấy lại được hạnh phúc trong môi trường sống có quá nhiều sóng gió.

Hạnh phúc đó là hạnh phúc họ xứng đáng được có nhưng bị lấy đi. chính việc vụng trộm trong bộ phim này là một sự táo bạo trong nội dung phim. Victor biết chắc một điều, ở đâu có sự bất hạnh trong tình yêu và trong cuộc sống thì sẽ có người đồng cảm. Mình muốn khán giả hiểu, đồng cảm cho nhân vật. Tôi không muốn nhận định rằng việc nhân vật làm như vậy là đúng hay sai, nhưng lí do nào khiến nhân vật phải làm như vậy, đó mới là điều hướng đến để khai thác.

XEM THÊM:
Từng trầm cảm khi không có tiền làm phim, hạnh phúc khi có bà xã Ngọc Diệp đồng hành
20 năm cho sự nghiệp làm phim, nhìn lại hành trình ấy, anh nhớ lại bộ phim đầu tay của mình như thế nào? 

Nhìn lại 20 năm, những gì đã mạo hiểm trong bước đầu vào nghề, nghĩ lại mình không nghĩ là có dám làm không. Thật sự đó là điều hạnh phúc vì được làm nghề, một công việc thực sự đam mê. Victor đã trải qua khoảng thời gian làm nhiều công việc khác nhau mà mình không thích, thật sự đó là khoảng thời gian trầm cảm. Khi được sống với đam mê, cảm thấy thực sự biết ơn đối với tất cả những người xung quanh đã luôn luôn hỗ trợ và đồng hành.

Đôi khi tôi cảm thấy rằng sự nghiệp mình chỉ đang mới khởi sắc vì còn quá nhiều câu chuyện và ấp ủ. Victor vẫn đang cố gắng từng ngày để mang đến những tác phẩm giá trị đến cho khán giả.

20 năm làm nghề với 17 bộ phim đều thành công và nhận được những phản hồi tích cực. Có bộ phim nào khiến anh tiếc nuối và muốn làm lại khi có kinh phí tốt hơn và thỏa sức sáng tạo hơn? 

Có một bộ phim thứ 2 Victor thực hiện ở Mỹ, đó là phim Oan Hồn – một bộ phim tâm linh ly kỳ. Đó là một trong những kịch bản phim tốt nhất mà Victor từng làm. Hồi đó tôi muốn mang bộ phim về Việt Nam nhưng yếu tố kiểm duyệt rất khó. Tôi cùng ekip đã xây dựng một phim trường, làm hết khả năng. Mình tiếc nếu như quay được ở Việt Nam với bối cảnh thật thì sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều. Đến hiện tại nếu như khán giả xem chắc chắn sẽ vẫn còn thích thú.

Cô Dâu Đại Chiến là bộ phim khiến cho Victor Vũ khẳng định được tên tuổi tại thị trường Việt Nam, đó cũng là cơ duyên của Đinh Ngọc Diệp với Victor Vũ. Vậy Ngọc Diệp thấy anh Vũ có sự thay đổi như thế nào? 

Đinh Ngọc Diệp: Trước đây, khi Diệp làm những tác phẩm đầu của anh, mình thấy anh luôn mặc đồ trắng cả cây. Hiện tại chỉ toàn mặc đồ đen, đó là sự thay đổi rồi (cười).  Hồi đó mình cũng chỉ là một cô người mẫu đi đóng phim nên có sự tế nhị khi giao tiếp, anh Vũ thì rất kiệm lời và chắc chắn. Đó là điều Diệp thích ở anh Victor thời điểm đó.

Còn về mặt cuộc sống, Diệp thấy anh Victor là cả một tấm gương về sự làm việc không ngừng nghỉ, không ngừng cố gắng. Anh không cần phải cầm kịch bản để xin tiền đầu tư ngay từ bộ phim đầu tiên, đó là đánh đổi 10 năm dành dụm, tích cóp ở văn phòng để làm bộ phim đầu tay, sau đó lỗ sạch. Nhưng nếu không có sự đánh đổi đó thì sẽ không có một đạo diễn Victor Vũ như hiện tại.

Anh chưa bao giờ ngừng chuẩn bị, bởi anh luôn nghĩ sẽ làm phim đến năm 80 tuổi. Diệp nghĩ là mình có duyên nợ gì với anh nên làm bộ phim đầu tiên của anh ở Việt Nam và đến bây giờ lại làm vợ, phụ anh làm những công việc liên quan đến phim. Đó là một sự may mắn mà ông trời ban anh Victor cho Diệp, để nâng bước và đồng hành cùng anh trong cuộc đời.

Victor Vũ: Nói về Cô Dâu Đại Chiến thì có rất nhiều kỉ niệm thú vị. Ban đầu đó không phải là bộ phim hài, nội dung tâm lý li kì về câu chuyện một anh lăng nhăng với 5 cô. Tôi và ekip đã quyết định chuyển thành bộ phim hài để được khai thác nhiều hơn, và đó là một quyết định sáng suốt.  Victor rất thích phim hài và khả năng sẽ làm một tác phẩm trong thời gian tới.

Tháng 10 là tháng có nhiều kỉ niệm với anh chị, vừa ngày đính hôn vừa ngày sinh nhật Ngọc Diệp. Tại sao chị lại bị thuyết phục bởi tình cảm của anh đạo diễn ngày ấy? 

Như Diệp có chia sẻ, lúc làm việc hai người rất có khoảng cách. Sau 7 năm, chúng tôi gặp lại trong khung cảnh tại trường đại học, lúc đó Diệp viết sách và anh Victor là một nhân vật trong cuốn sách đó.  Khi ấy anh lại thấy Diệp là người thú vị khi viết sách rồi gom tiền thực hiện những dự án mang tính cộng đồng.

Ngày mình tốt nghiệp văn bằng hai ngành quan hệ quốc tế, anh diện nguyên cây trắng và mang một bó hoa to. Lúc đó cả gia đình mình ngỡ ngàng và đã “mở đường” cho cả hai tìm hiểu, rồi sau đó tiến tới hôn nhân.

Trước đây Ngọc Diệp hoạt động nghệ thuật rất sôi nổi nhưng sau này lại chuyển hướng sang làm sản xuất. Tại sao chị quyết định trở về phía sau để làm hậu phương cho chồng? 

Việc làm nghệ thuật đối với Diệp gặp rất nhiều may mắn. Nhưng để hạnh phúc với con đường hào quang đó hay không thì không chắc. Đó là lý do vì sao Diệp lùi về phía sau, đi học thêm, viết sách để cân bằng lại. Khi cân bằng để hoạt động tiếp thì anh Victor xuất hiện.

Khi ấy những anh chàng khác đều rơi rụng hết. Diệp tưởng tượng ra cuộc sống tương lai của mình khi sống với một người đàn ông kỉ luật, chỉn chu và chân thành như anh thì sẽ như thế nào?

Đến hiện tại, trong thâm tâm của Diệp chưa từng nghĩ rằng mình sẽ sống một cuộc sống của ngôi sao trong showbiz, vì điều đó mang tính “bên ngoài”, tâm nguyện muốn được làm mẹ, làm vợ nhiều hơn. Và ước mơ thành hiện thực khi vừa có được tổ ấm hạnh phúc vừa được làm nghệ thuật. Anh là người Diệp kiếm tìm trong suốt cuộc đời còn lại.

Khi có vợ đồng hành trong việc làm phim với vai trò sản xuất, chắc sẽ có lúc bất đồng quan điểm, đạo diễn Victor Vũ đã cân bằng như thế nào để không ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân gia đình? 

Đối với Victor, “cái tôi” lớn nhất đó là điện ảnh, là tác phẩm và luôn luôn giữ quan điểm đó. Mọi cuộc tranh luận đều để phim tốt nhất. Điện ảnh là sự phối hợp của rất nhiều con người, một người không làm nên phim. Tôi có thể đưa ra định hướng nhưng phải nhờ đến nhiều người hỗ trợ thực hiện.

Victor thấy hạnh phúc khi có một người vợ có thể hiểu được tư duy làm phim của mình. Tôi tin tưởng vào ý kiến của vợ, có thể chia sẻ được với vợ về công việc được chứ không phải áp đặt hay thuyết phục vợ phải nghe theo. Cảm thấy thực sự may mắn khi có Ngọc Diệp đồng hành trong cả sự nghiệp làm nghệ thuật lẫn cuộc sống.

Hình ảnh của bài phỏng vấn được thực hiện bởi KAT HOUSE, kết hợp Lotte Entertainment, TFilm, Song Phan.

XEM THÊM: