1. Về nội dung
Cuộc tình tay ba giữa Thúy Kiều, Thúc Sinh và Hoạn Thư khá quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, nhưng ở bản điện ảnh cổ trang Kiều chỉ tập trung vào cuộc đời của Thúy Kiều trong giai đoạn lần đầu tiên bị lừa bán vào lầu xanh.
Và trong tác phẩm này, sự ghen tuông của Hoạn Thư sẽ được giải thích, có khi lúc ấy khán giả sẽ không còn ghét Hoạn Thư nữa. Cách đánh ghen của Hoạn Thư cực “thanh tao” đúng kiểu con nhà gia giáo, không giật tóc, không đánh nhau, thậm chí còn giúp Kiều thoát cảnh bị làm nhục. Trước nay, người ta nghe tiếng “ghen” của Hoạn Thư là cái gì đó rất cay nghiệt. Và chắc có lẽ, cái ghen của Hoạn Thư trên màn ảnh sẽ lần đầu tiên “giải oan” cho hành động vùi hoa dập liễu của người phụ nữ chính thất này với nàng Kiều.
2. Về diễn xuất
Nàng “Kiều” Trình Mỹ Duyên thật sự rất đẹp, đẹp trong mọi khung hình. Nhưng có lẽ vì là phim đầu tay nên diễn xuất của Duyên chưa thật sự nổi bật, chỉ dừng ở mức ổn.
Chàng “Thúc Sinh” Lê Anh Huy cũng vậy, dù vớt vát được mấy cảnh hành động nhưng nét diễn vẫn có hơi đơ, chưa lột tả hết được sự bất lực, nhu nhược của nhân vật.
Bù lại, đạo diễn Mai Thu Huyền khá thông minh với khi lựa chọn Cao Thái Hà cho vai Hoạn Thư – một diễn viên đã khá cứng cựa với thể loại vai phản diện, sắc sảo để song hành cũng Trình Mỹ Duyên và Lê Anh Huy.
“Hoạn Thư” Cao Thái Hà lột tả rất tốt nỗi đau đớn của người vợ chứng kiến chồng ân ái với người phụ nữ khác. Nỗi đau của sự phản bội và cả sự cắn răng chịu đựng của Hoạn Thư để giữ lấy tiếng thơm cho gia đình là điều mà không ít người phụ nữ ở bất kì thời đại nào cũng đã từng trải qua.
Bên cạnh đó, dàn diễn viên phụ đắt giá như NSND Lê Khanh, Hiếu Hiền, Phương Thanh,… cũng là một phần quan trọng giúp nâng đỡ cho toàn bộ mạch cảm xúc của bộ phim. Một lần nữa, NSND Lê Khanh lại thể hiện sự đỉnh cao trong sắc thái cảm xúc mà chỉ những nghệ sĩ gạo cội mới chạm tới được.
3. Về hình ảnh, âm thanh
Khung cảnh từ trên cao thác Bản Giốc đổ bọt trắng xóa, bốn bề là rừng núi hùng vĩ hoang sơ, bên dưới là đôi tình nhân Thúy Kiều – Thúc Sinh đang tận hưởng giây phút lãng mạn giữa suối mát cùng cỏ hoa đồng nội khẽ chạm đến sự rung động của người xem.
Tuy nhiên có một số cảnh không cần thiết phải dùng kĩ xảo nên khi sử dụng bị phản tác dụng. Kĩ xảo không được mượt nên nhìn rất “giả”, giảm bớt nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ của bối cảnh.
Âm nhạc là điểm cộng to đùng của bộ phim. Thậm chí nhiều khán giả còn có ý định ra rạp chỉ vì nhạc phim. Nhạc phim vang lên hợp hoàn cảnh cùng giọng hát da diết của Bùi Lan Hương trong bài hát Kiều Mệnh Khúc thực sự để lại dấu ấn trong lòng người xem.
OST Kiều Mệnh Khúc
Nhìn chung, Kiều không phải là một tác phẩm có kịch bản đỉnh hay nội diễn xuất quá xuất sắc. Nên nếu đi coi với tâm thế giải trí xem tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du được tái hiện như thế nào thì Kiều chính là lựa chọn cho bạn.