Chiến thắng của Ròm khi ra mắt tại quê nhà vào cuối tháng 7 khi đa phần các nhà sản xuất, đạo diễn đều e ngại tình hình dịch, đã tạo động lực cho các phim Việt Nam khác lựa chọn thời điểm nhiều rủi ro này để tìm kiếm cơ hội. Tuy vậy, không hiếm những bộ phim chất lượng nghèo nàn xuất hiện “đều đặn” từ nửa cuối năm 2020, kèm theo đó là quá nhiều scandal bên lề khiến năm 2021 có được mở màn náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Dưới đây là một số tựa phim nổi bật từ cuối cuối năm 2020 đến tháng 1 năm 2021.
Ròm, Tiệc Trăng Máu và Chị Mười Ba chiến thắng tại phòng vé
Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy sau khi được vinh danh với giải New Currents tại LHP Busan, đã tiếp tục để lại dấu ấn tại phòng vé Việt với doanh thu cao gấp nhiều lần kinh phí. Sức lan toả mạnh mẽ cùng với việc không có đối thủ cạnh tranh đã giúp Ròm thu hút 400.000 lượt xem sau 3 ngày đầu công chiếu và lập nhiều kỷ lục doanh thu, dù bên cạnh đó, phim cũng không thiếu những tranh cãi về mặt nội dung.
Với Ròm mở đường, Tiệc Trăng Máu sau đó cũng đã quyết định tung phim giữa thời điểm rạp chiếu vắng vẻ. Được remake từ bản phim gốc của Ý Perfect Strangers, nhưng lại mang nhiều màu sắc của Intimate Strangers đến từ Hàn Quốc, Tiệc Trăng Máu lấy lòng khán giả nhờ chất liệu gốc chất lượng, hình ảnh đẹp và dàn diễn viên toàn sao với những gương mặt như Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Thái Hoà, Thu Trang, Kaity Nguyễn, Kiều Minh Tuấn… Hiệu ứng truyền miệng từ người xem đã giúp Tiệc Trăng Máu trở thành bộ phim có doanh thu cuối tuần cao nhất kể từ đầu năm.
Cuối năm 2020, Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử khép lại một năm đầy sóng gió với câu chuyện về chị đại Mười Ba do Thu Trang thủ vai tiếp tục đối đầu với kẻ thù mới để bảo vệ đàn em. Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử thu hút được 500.000 lượt vé trong 3 ngày công chiếu đầu tiên và đạt 800.000 lượt vé sau 1 tuần ra mắt.
Chất lượng của Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử vốn không quá xuất sắc, nhưng biết kết hợp giữa “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” khi vừa không phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ nặng ký, vừa có được hiệu ứng từ web-drama cùng tên trên Youtube và Phần Kết Thập Tam Muội. Ngoài ra, phim sự góp mặt của các diễn viên có tiếng như Thu Trang – Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn, và nội dung mang tính đại chúng đã giúp khán giả không ngần ngại lựa chọn Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử để thưởng thức. Phim hiện tại vẫn còn đang trụ vững tại phòng vé.
Phim kém chất lượng khiến khán giả đau đầu
Bên cạnh những phim thắng lớn ở phòng vé, phòng vé Việt cũng xuất hiện những phim tạm ổn về mặt chất lượng, nhưng doanh thu không mấy ấn tượng như Bằng Chứng Vô Hình, Trái Tim Quái Vật hay Bí Mật Của Gió.
Ngoài ra, tình hình phim Việt nửa cuối năm còn xuất hiện rất nhiều phim thực sự thảm hoạ như Tôi Là Não Cá Vàng, Hoa Phong Nguyệt Vũ, Chồng Người Ta, Thang Máy.
Đến cả bộ đôi đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn cũng không thể thoát khỏi số phận bị khán giả ghẻ lạnh, phải đón nhận kết quả lỗ vốn với phim hài, lãng mạn Người Cần Quên Phải Nhớ có sự tham gia của Trần Ngọc Vàng, Hoàng Yến Chibi…
Nhà sản xuất Charlie Nguyễn đã mạnh dạn thừa nhận lỗi lầm của bộ phim đến từ chính ê-kíp khi phim không hợp thị hiếu, thay đổi quá nhiều, nhưng quan trọng nhất là không thể truyền tải được một câu chuyện có sức nặng và làm khán giả đồng cảm, “Mà để chạm đến trái tim khán giả thì phải qua nhân vật. Điều này do mình chưa đồng hành với nhân vật hết mức. Nếu khán giả khóc khi xem phim, đó là do họ đồng cảm và thương nhân vật. Họ đau vì nỗi đau của nhân vật. Vì sao họ phải thương một anh chàng giang hồ? Vì sao họ phải thương một cô nhà báo muốn dùng cái chết của cha mình để lên trang nhất?
Đó là cái chúng tôi chưa làm được. Không thương hai nhân vật nên khi họ được – mất, khán giả cũng không quan tâm” – Charlie Nguyễn chia sẻ (Theo Tuổi Trẻ).
Cùng khoảng thời gian đó, Võ Sinh Đại Chiến, bộ phim võ thuật, học đường của đạo diễn Thái Bá Dũng và nhà sản xuất Bá Cường cũng ra rạp khá lặng lẽ. Bản thân Võ Sinh Đại Chiến không phải là bộ phim quá tồi, nhưng độ nhận diện thấp đã khiến phim chịu thất bại về doanh thu.
Riêng Cậu Vàng được đặc biệt chú ý, không chỉ bởi gánh quá nhiều scandal, mà đồng thời cũng bị chê trách vì nội dung rời rạc, hậu kỳ nghiệp dư, hình ảnh đầy sạn và không đều màu. Nối tiếp sau Cậu Vàng và là phim Việt cuối cùng trong tháng 1, Sám Hối – phim hợp tác Việt – Ấn cũng gây hoang mang vì chất lượng có vấn đề.
Scandal bủa vây phim Việt đầu năm
Đầu năm 2021, điện ảnh Việt đã có bước khởi đầu nhiều sóng gió khi đạo diễn, nhà sản xuất Bá Cường và Thái Bá Dũng của Võ Sinh Đại Chiến tuyên bố rút phim khỏi rạp chiếu vì cho rằng bộ phim chỉn chu, tử tế của mình bị nhà rạp đối xử bất công, chèn ép, xếp ít suất chiếu và suất không thuộc giờ đẹp.
Ông Dũng bức xúc: “Vì ban đầu, phim đã không được ưu tiên về số suất, giờ đẹp, nên khán giả không có cơ hội lựa chọn. Nếu muốn công bằng, nhà phát hành phải phân bố lượng suất chiếu ngang nhau cho các phim trong những ngày đầu, phim nào vắng khán giả mới cắt bớt suất”. (Theo Thanh Niên).
Với kinh phí được báo cáo là 21 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí quảng bá, Võ Sinh Đại Chiến chỉ thu về khoảng 1.3 tỷ đồng sau 3 ngày (từ 01/01 đến 04/01) và rút khỏi rạp chiếu sau khoảng 1 tuần. Nỗ lực kêu gọi “giải cứu” phim của các diễn viên như muối bỏ biển khi khán giả tiếp tục lãnh đạm với tác phẩm, thêm vào đó là phản ứng của cộng đồng mạng trước lời tâm sự của bộ đôi đạo diễn và nhà sản xuất cũng có phần tiêu cực.
Bà Võ Thị Thuỳ Trang, đại diện Galaxy Studio đã trả lời phỏng vấn và phản bác ý kiến của đạo diễn – nhà sản xuất Võ Sinh Đại Chiến sau khi sự việc đi quá xa.
“Trên thực tế, không có nhà phát hành hay cụm rạp nào có thể cam kết về suất chiếu cho một bộ phim cụ thể bởi điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu và sự lựa chọn của khán giả dành cho các phim.” – Bà Thuỳ Trang cho biết. Trước thông tin ê-kíp Võ Sinh Đại Chiến có thể khởi kiện việc bị chèn ép suất chiếu, bà cũng khẳng định Galaxy sẽ chuẩn bị đầy đủ chứng cứ trong trường hợp này và thấy rằng “đây là bài học lớn” để họ nhìn nhận và “rút kinh nghiệm khi cộng tác với những người làm phim chuyên nghiệp hơn trong tương lai” (Theo Thanh Niên).
Tai tiếng nhất trong các phim hẳn là Cậu Vàng, ra mắt vào 01/2021. Lấy cảm hứng từ truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, Cậu Vàng gây tranh cãi từ khoảng thời gian đầu khi thông báo casting chó shiba, quốc khuyển thuần chủng của Nhật Bản vào một bộ phim Việt Nam đặt trong bối cảnh những năm 1945.
Khán giả đã bước đầu kêu gọi tẩy chay bộ phim vì không tôn trọng nguyên tác, và để xoa dịu dư luận, ê-kíp Cậu Vàng có buổi casting thứ 2, nhưng cuối cùng quyết định để chó shiba đóng vai cậu Vàng vẫn không thay đổi. Phim tiếp tục khiến cộng đồng mạng giận dữ khi admin fanpage chính thức của Cậu Vàng có phát ngôn gọi khán giả là “nghèo hèn” và “ngu dốt”. Dù fanpage sau đó đã lên tiếng xin lỗi và thông báo admin này bị sa thải, nhưng vẫn không thể làm nguôi ngoai cơn giận của người xem.
Sau khi ra mắt, Cậu Vàng càng nhận được nhiều lời phê bình tiêu cực vì phá hư hoàn toàn tinh hoa của nguyên tác, dựa hơi tác phẩm của nhà văn Nam Cao để khắc hoạ những câu chuyện bên lề nhạt nhoà. Giữa “tâm bão”, một trong những diễn viên của Cậu Vàng là Băng Di, tiếp tục có phát ngôn gây tranh cãi khiến cảm tình của bộ phim càng xuống thấp. Làn sóng chỉ trích bộ phim đã kéo dài từ lúc ra mắt, cho đến thời điểm hiện tại mới có dấu hiệu dịu bớt sau khi cư dân mạng đã nói hết những gì cần nói về Cậu Vàng.
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không nằm ngoài “bão drama” khi dính phải lùm xùm liên quan đến tác quyền của Thần Đồng Đất Việt. Người hâm mộ bộ truyện đã kêu gọi tẩy chay phim, chỉ trích Ngô Thanh Vân vi phạm bản quyền khi không thông qua tác giả mà bàn bạc việc chuyển thể với Phan Thị – bên đang tranh chấp với bác Linh Lê.
“Mình đã đọc hết comment các bạn trong trailer phim của mình về việc tố mình ăn cắp. Xin được nói rõ, nó là nội dung mình có mua và trả tiền theo đúng pháp luật Sở Hữu Trí Tuệ, nên việc tố mình ăn cắp là không đúng.
Khi việc ký kết xảy ra mình hoàn toàn không biết về vụ kiện này nên mình có tí lỗi trong việc nên nắm rõ thông tin trước khi mua.” – Nguyên văn trích từ bài đăng của Ngô Thanh Vân trên trang cá nhân.
Về vấn đề này, Ngô Thanh Vân đã trả lời khán giả rằng mình có lỗi khi không tìm hiểu về vụ kiện và có liên lạc với bác Linh Lê để nói về quyền lợi của tác giả trong bộ phim live action. Tuy nhiên, tác giả sau đó đã từ chối vì thời điểm không thích hợp.
“Mình và anh Lê Linh đã có buổi nói chuyện và chia sẻ quan điểm về việc này, và mình cũng chia sẽ cái khó khăn của mình. Là một người trong thời gian còn tranh chấp tại tòa, anh Lê Linh đã từ chối mọi đề nghị về quyền lợi từ phía mình đưa ra, vì mình có đề nghị nhiều hình thức khác nhau.”
Tác giả Linh Lê đã có chia sẻ tâm thư trên trang cá nhân, từ chối mọi liên quan đến bộ phim vì không thể chấp nhận việc bị đẩy vào tình thế đã rồi.
Thêm vào đó, khán giả cũng tố tạo hình trang phục Trạng Tí bị thay đổi, xoá bỏ hình ảnh bản đồ dân tộc Việt Nam trong nguyên tác. Số phận của Trạng Tí Phiêu Lưu Ký hiện tại đang bấp bênh hơn bao giờ hết khi đối mặt với làn sóng tẩy chay của khán giả. Liệu chất lượng hoặc hiệu ứng truyền miệng có cứu bộ phim ra mắt dịp Tết Nguyên Đán?
Màn “xông đất” ầm ĩ của phim Việt đầu năm 2021 sẽ mở ra những “drama” nào khác trong năm nay?
Theo Moveek